Sửa trang

Nên Lựa Chọn Một Công Việc Đầu Đời Thế Nào?

Bài viết gồm 3 lời khuyên nhỏ, hi vọng có thể giúp ích cho bạn:

 

1. HÃY BẮT ĐẦU VỚI CÂU HỎI: MỤC TIÊU CÔNG VIỆC TRONG 5 NĂM TỚI CỦA CHÍNH BẠN LÀ GÌ?

 

Hãy tự đặt câu hỏi hỏi này trước khi apply vào bất cứ vị trí nào? Bạn muốn học hỏi, hay bạn muốn phát triển mối quan hệ trong công việc, muốn thăng tiến, hay đơn giản chỉ muốn kiếm tiền? Tùy mục tiêu công việc khác nhau, bạn sẽ lựa chọn cho mình một vị trí công việc khác nhau.

 

Ví dụ nếu muốn học hỏi, tôi nghĩ bạn có thể chọn một công ty nhỏ với số lượng nhân viên không quá nhiều nhưng có những người giỏi, đủ để bạn học hỏi. Số lượng nhân viên ít sẽ giúp bạn dễ dàng "tiếp cận" với người đứng đầu hơn (điều khó lòng có được ở các tập đoàn lớn), từ đó quan sát, học hỏi, thậm chí được chỉ dạy ngay từ những bước đầu. 

 

Bạn có thể vào các agency hoặc các tập đoàn nếu muốn phát triển những mối quan hệ rộng, nhưng hãy nhớ dù ở môi trường nào, nếu bạn không bắt đầu bằng sự chân thành, lăn xả, dám gánh vác thì chẳng mối quan hệ nào có thể sâu sắc được cả.

 

Hãy có sẵn mục tiêu bên trong và lựa chọn những môi trường giúp bạn có được điều mình cần. Và hãy nhớ, bạn chắc chắn sẽ phải "đánh đổi" một thứ gì đó để đạt được mục tiêu. Chẳng có một môi trường nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu của bạn, trừ khi bạn là nhân tố vàng mà mọi tổ chức đều cần.

 

2. CHỌN "SẾP"

 

Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi lý do gắn bó với một tổ chức, đã không ngần ngại trả lời: Vì tôi có một người Sếp tốt. Vậy thế nào là một người Sếp tốt:

 

- Có kỹ năng chuyên môn: Tất nhiên, Sếp không phải là người biết tất cả mọi điều, nhưng đây nhất định là người có một "thế mạnh cực mạnh" giúp lãnh đạo và lèo lái tổ chức. Vậy nên, hãy học hỏi kỹ năng này từ Sếp. Kỹ năng đó có thể tương đồng với những gì bạn có, có thể trái ngược, dù tương đồng hay trái ngược, tôi tin đó cũng là điều tốt để giúp cho sự phát triển của bạn.

 

- Có EQ tốt: Với góc nhìn của tôi, Quản lý chính là nhân tố "truyền lửa", "tiếp dầu" để một bộ máy luôn vận hành, nhìn trước những khó khăn, trám vào những chỗ thiếu, quan trọng là nắm bắt được tâm lý của tổ chức. Ở những tổ chức hiện đại, sáng tạo như môi trường tôi đang làm việc, tâm lý nhân viên đóng vai trò quan trọng quyết định rất nhiều đến thành quả của công việc, nên việc Quản lý có EQ tốt có thể dẫn dắt và tạo dựng một môi trường lành mạnh, an toàn, công bằng và không thị phi, từ đó giúp nhân viên phát triển nhưng không đố kỵ, có niềm vui nhưng không chểnh mảng, cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống...

 

- Tin tưởng và Trao quyền: Để đạt được điều này, bộ máy cần được đào tạo từ gốc, và Quản lý cần có sự ghi nhận với thành quả của nhân viên với từng giai đoạn, từ đó tin tưởng, thúc đẩy sự phát triển và trao quyền. Tuy nhiên, trao quyền không có nghĩa là... phó mặc. Hãy quan sát xem "Sếp" có luôn hỗ trợ bạn khi bạn gặp khó khăn và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết, hữu ích?

 

3. GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA TỔ CHỨC CÓ TƯƠNG ĐỒNG VỚI GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA BẠN?

 

Đây là câu hỏi bạn có thể tự đặt cho mình khi đã tìm hiểu và gắn bó ở tổ chức trên 1-2 năm. Lúc này, sau rất nhiều tình huống và sự quan sát, bạn có thể tự nhận biết xem Giá trị cốt lõi của Công ty/Tổ chức có thật sự tương đồng với Giá trị bên trong của bạn.

 

Ví dụ: Nếu giá trị cốt lõi của bạn là sự nhân văn, tích cực, thì tổ chức này có tương đồng với bạn hay không? Môi trường của tổ chức này có làm bạn cảm nhận được sự tích cực không, hay rất nhiều toxic? Trong những hoàn cảnh khó khăn, Ban lãnh đạo sẽ ứng xử như thế nào? Bạn có thấy những điều bất công thường xuyên diễn ra hay không? Hãy quan sát nhìn nhận, và tự cho mình những đánh giá để xem nên phát triển tiếp hay dừng lại.

 

Tất nhiên, đã là đi làm, KHÔNG CÓ môi trường thoải mái 100%, cũng không có trường hợp chúng ta muốn làm gì thì làm, đến lúc nào thì đến, hay phá vỡ các quy tắc của tổ chức chỉ vì chúng ta cho rằng mình là người theo đuổi sự "Tự do", "Sáng tạo".

 

Tổ chức có những quy tắc của tổ chức, và bạn cũng vậy. Vậy nên hãy tìm hiểu thật kỹ một môi trường ngay ngày đầu đến phỏng vấn: Hãy quan sát, hãy trò chuyện với người phỏng vấn bạn về những điều bạn muốn tìm hiểu. Và sau mỗi buổi phỏng vấn, bạn luôn có 2 tuần đến 1 tháng thử việc để tìm hiểu về nơi mình dự định gắn bó.

 

Chúc bạn luôn có những lựa chọn sáng suốt, và một ngày đầu tuần vui vẻ <3

 

#lynhmieu

 

Bài viết đầu tuần nằm trong chuyên mục #gocnhinquanly lên sóng mỗi Thứ hai hàng tuần trên Fanpage Lynh miêu.

Bạn có góc nhìn nào hay, đừng ngại chia sẻ cùng mình qua hashtag này nhé <3

 

Yêu mến.